12 thg 6, 2009

Đột kích lò chế biến "vịt đực quay"


Vịt đực đội lốt sẻ quay

“Minh oan” cho chim sẻ

Hàng nghìn con “chim sẻ quay” bốc mùi hôi tanh nằm lăn lóc trong chậu, ruồi bay nhập nhằng quanh miệng chậu, những thứ nước vàng rỉ ra... Đó là những hình ảnh phóng viên Dân trí ghi lại được khi thâm nhập đường dây kinh doanh “chim sẻ quay” đang khá rầm rộ hiện nay ở Hà Nội.

“Đầu nậu Hòa” - nhà ở ngã 3 Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì, Hà Nội), một trong những đầu mối buôn bán dòng vịt đực “đội lốt” chim sẻ quay lớn nhất tại miền Bắc - được chúng tôi tìm đến đặt hàng. Hòa khẳng định: “Làm gì có chim sẻ nào rẻ đến mức 2 nghìn đồng một con, mà bói đâu ra lắm chim sẻ thế. Làm ăn với nhau cứ nói thẳng, chim sẻ quay chính là vịt đực mới nở đem làm thịt liền”.

Hòa cho biết những chú vịt đực này được các nhà chăn nuôi dùng “công nghệ soi” phát hiện ra từ khi còn trong trứng. Khi vừa nở ra ngay lập tức được đem làm sạch lông, sau đó nhúng xuống “nước” (có thể là một loại hóa chất bảo quản cho thực phẩm tươi lâu, nhưng Hòa không tiết lộ vì giữ ngón nghề làm ăn - PV) để bảo quản cho vịt được tươi lâu trong vòng nhiều tháng.

Sau khi làm thịt xong, tất cả những chú vịt này được chặt vát mỏ; cắt, rạch các màng ở chân sao cho khách hàng tiêu dùng nhìn giống chim sẻ và quẳng vào các ngăn lạnh của tủ bảo ôn.

Cách giờ bán hàng khoảng vài tiếng đồng hồ thì đem bỏ thứ vịt này ra khỏi ngăn lạnh cho tan hết đá đóng băng rồi đem đi ướp tẩm gia vị, chao qua một lớp dầu rán, rồi tiếp tục nướng qua than hồng và bán cho khách với giá 2 nghìn đồng/1con.


Vịt đực được chặt vát mỏ "hóa trang" thành chim sẻ

Theo Hòa, hiện nay loại vịt đực này có hai nguồn gốc xuất xứ, một là được nhập về từ Trung Quốc, hai là vịt đực tại Việt Nam 100%.

Điểm khác biệt giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt Nam là: hàng Trung Quốc nhập về Việt Nam thì toàn bộ vịt đực đã được chặt đầu sẵn vì lí do, nếu không chặt đầu thì mắt của vịt dễ bị thối, toàn bộ con vịt sẽ nhanh chóng bị phân hủy. Còn vịt Việt Nam vẫn còn nguyên cả đầu, do xuất xưởng đến đâu là tiêu thụ hết đến đó. Nhưng hàng Việt Nam, khi vịt vừa nở là phải thịt ngay và nhúng qua “nước”. Nếu không thì toàn bộ con vịt sẽ bị teo lại chỉ bằng ngón tay và sẽ rất nhanh hỏng.


Công nghệ ướp tẩm và cách “né” cơ quan chức năng Hàng nghìn con vịt đực hôi rình, tanh ngòm mà chúng tôi mới nhìn đã muốn nôn ọe, nhưng khi qua công nghệ ướp tẩm của Hòa, tất cả lại thơm lừng.


Khi chúng tôi đặt vấn đề mua khoảng nghìn con vịt đực về bán thử, vợ chồng Hòa mừng ra mặt và ngay lập tức ra giá. Nếu mua vịt sống nguyên thì giá 1.200 đồng/con, vịt tẩm ướp sẵn và chao qua hai lớp dầu có giá 1.500 đồng/con.


Hòa dạy chúng tôi, muốn có “chim sẻ quay” thơm, ngon, “bổ” thì khâu ướp tẩm là quyết định. Trước khi ướp tẩm phải dùng tay bóp cho vịt ra hết nước để khi đổ vịt vào chảo dầu rán sẽ không bị dầu bắn, vịt cũng sẽ không bị nổ đầu; sau đó nêm gia vị, nước mắm, hồ tiêu, hồi, quế.

Trong bụng vịt thì nhồi lá chanh, củ sả băm nhỏ để khoảng 15-30 phút cho tất cả gia vị ngấm vào vịt rồi đổ vịt vào chảo dầu đang sôi chao qua hai lượt, vớt ra, để nguội. Tẩm ướp, chế biến đúng quy trình như vậy thì vịt có ôi, thiu đến đâu, sau khi nướng lên cũng thơm và giòn “ngon hết biết”.


Hòa dặn chúng tôi phải mua loại dầu thật rẻ để rán, nếu xài dầu ngon thì tiền vịt không bằng tiền dầu, lỗ vốn là cái chắc.



Hòa cho biết, những chú vịt này sau khi được nhúng "nước" có thể để trong tủ bảo ôn hàng chục tháng, mang ra bán cho khách hàng vẫn khen ngon.

Thời gian qua, khi thực hiện bài viết phản ánh về đề tài này tại đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chúng tôi để ý các quầy bán “chim sẻ quay” liên tục bị các cơ quan chức năng làm nhiệm vụ trật tự dẹp đuổi, nhưng vợ chồng Hòa luôn né được những đợt truy quét đó.

Hòa tiết lộ hồi đầu mới kinh doanh anh cũng liên tục bị thu đồ nghề, bị dẹp đuổi, nhưng chỉ qua vài tiếp xúc với một số người thì mọi chuyện lại suôn sẻ bởi Hòa luôn nắm được giờ của lực lượng đi tuần.

Hòa mách nước: mang hàng ra bán thì đem ít một ra bày bán thôi, số hàng còn lại giấu vào nơi khác để nếu có bị thu thì vẫn còn hàng bán tiếp; chứ mang hết ra mà bị tóm sạch là “treo niêu”.

Một số hình ảnh về món vịt đực quay:


Vịt đực không kiểm dịch, không nguồn gốc xuất xứ được sơ chế dưới mác "chim sẻ quay" để bán cho khách hàng





Hàng trăm con vịt đực được bỏ ra khỏi tủ bảo ôn vẫn còn đóng bánh



Những chú vịt đực này, sau nhiều ngày (hoặc nhiều tháng) đóng băng trong tủ bảo ôn, được đem ra ướp tẩm gia vị rồi bán cho khách hàng.

Theo Dantri

0 comments:

Đăng nhận xét