Khán giả xem phim bom tấn trong phòng chiếu của Megastar. Ảnh: M.S.
mogo - Chuyên gia hàng đầu về luật cạnh tranh tại VN cho rằng hành vi của Megastar có bóng dáng “áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý” và “áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ”.
Ngày 1/3, sáu doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Sài Gòn Điện ảnh (Cinebox Hòa Bình), Công ty cổ phần Điện ảnh 212 (Cinebox Lý Chính Thắng), Công ty cổ phần truyền thông Điện ảnh Sài Gòn (cụm rạp Đống Đa, Thăng Long, Toàn Thắng, Vinh Quang), Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (cụm rạp Galaxy), Công ty TNHH một thành viên điện ảnh Hà Nội (cụm rạp Tháng Tám), Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai (rạp Thanh Bình và Sông Phố) đồng loạt đệ đơn lên các ban ngành quản lý, tố cáo Megastar tận dụng ưu thế lớn trên thị trường để nâng giá thuê phim và áp đặt các điều kiện phát hành.
Trao đổi với VnExpress.net, giảng viên Nguyễn Ngọc Sơn - Khoa Kinh tế Luật Đại học Quốc gia TP HCM, người được xem là chuyên gia hàng đầu Việt Nam về luật cạnh tranh - cho rằng Megastar có “bóng dáng hành vi vi phạm Luật cạnh tranh Việt Nam”. Ông cho biết, Luật cạnh tranh Việt Nam cấm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường (chiếm 30% thị phần trên thị trường liên quan) thực hiện một số nhóm hành vi gây tổn hại đến môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Tác giả của hàng loạt cuốn sách đã xuất bản về luật cạnh tranh cho biết, sau khi đọc thông tin về vụ việc trên báo chí, ông đã tiếp cận hồ sơ chứng cứ và thấy Megastar có dấu hiệu vi phạm Luật cạnh tranh ở các điều khoản:
“Áp đặt giá bán hàng hóa, dịch vụ một cách bất hợp lý” (Khoản 2, Điều 13 - Luật Cạnh tranh ban hành năm 2005). Theo quy định luật cạnh tranh, doanh nghiệp thống lĩnh không được tăng quá 5% giá vé trong vòng sáu tháng nếu không có những biến động đặc biệt trên thị trường. Trong khi đó, Megastar áp đặt Giá thuê phim tối thiểu trên mỗi người xem là 25 nghìn đồng (sau thuế) làm cho giá thuê phim tăng trung bình 19% - 30% so với trước đây.
“Áp đặt điều kiện cho doanh nghiệp khác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa dịch vụ” (Khoản 5, Điều 13 - Luật Cạnh tranh). Megastar đã áp đặt các điều kiện khác như: buộc lấy kèm phim, buộc chiếu phim ở phòng lớn nhất và vào các giờ chiếu do Megastar chỉ định.
Ông Sơn cho biết, Luật cạnh tranh ra đời nhằm hướng đến xây dựng một thị trường phát triển lành mạnh, cố gắng dung hòa luật cạnh tranh, chính sách cạnh tranh và chính sách phát triển ngành. Điện ảnh Việt Nam đang tiến hành công cuộc xã hội hóa, nhưng thị trường lại có những dấu hiệu tích tụ của việc chiếm lĩnh từng phần. Megastar từ vị trí thống lĩnh trong việc nhập phim đã tiến dần đến việc thống lĩnh chiếu phim nhằm độc quyền dần các khâu. Điều này đi ngược chính sách phát triển ngành. Ông Sơn khẳng định, không luật pháp nước nào cấm độc quyền hay trừng phạt doanh nghiệp thống lĩnh, nhưng phải đảm bảo kẻ lớn không chèn ép kẻ bé. Chính sách xã hội hóa cho phép các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam kinh doanh, nhưng nếu không điều tiết việc những doanh nghiệp này có hành vi chèn ép doanh nghiệp trong nước, sẽ dẫn đến hậu quả các doanh nghiệp Việt Nam dần bị tiêu diệt và chính sách xã hội hóa của chúng ta cũng bị chết theo.
Giá vé cụm rạp Cinebox Hòa Bình trước khi Megastar điều chỉnh giá thuê phim vào tháng 6/2009. Cụm rạp này hướng đến đối tượng khách hàng là sinh viên, học sinh, công nhân.
Điều ông Sơn băn khoăn là hậu quả của hành vi chiếm lĩnh thị trường. Ông cho rằng, Megastar đang tác động lớn đến các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam làm những doanh nghiệp nhỏ như Cinebox, Đồng Nai lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn, đồng thời thông qua việc tiến đến cào bằng giá phim để hút khán giả về cụm rạp của mình. “Nếu giá vé gần ngang nhau, không khán giả nào lại không chọn nơi có chất lượng dịch vụ cao như Megastar. Như vậy, Megastar đang độc quyền dần thị trường chiếu phim, quyết định cho người dân Việt Nam xem phim gì và quyết định đối tượng nào được phép xem phim. Những người có thu nhập trung bình hoặc gần dưới trung bình sẽ có nguy cơ không được tới rạp, bởi những rạp chiếu giá rẻ hoặc bị đóng cửa hoặc buộc phải tăng giá. Xét dưới góc độ văn hóa, điều này rất nguy hiểm” - ông quan ngại.
Vị chuyên gia xây dựng dự án Luật cạnh tranh của Bộ Công thương nhìn nhận, vụ sáu doanh nghiệp Việt Nam kiện Megastar không phải là tranh chấp đơn thuần nên không thể tiến hành hòa giải, mà là họ phát hiện ra những vi phạm của Megastar đệ trình lên để pháp luật giải quyết theo quy định. Ông đánh giá, để giải quyết vụ việc này, cơ quan quản lý cạnh tranh cần hết sức thận trọng vì vụ việc ảnh hưởng đến tư tưởng - nhận thức văn hóa. Trong khi đó, cơ quan quản lý ngành cần có chính sách công tâm để hỗ trợ.
Trước những ý kiến cho rằng, khó xác định Megastar chiếm trên 30% thị trường liên quan, ông Sơn nhận định việc này hoàn toàn có thể giải quyết. Tổng doanh số bán vé (box office) đối với phim nhập khẩu năm 2009 là khoảng 12,9 triệu USD (số liệu này dễ thống kê vì các vé bán ra đều phải được giữ lại cuống - cũng là hóa đơn VAT), trong đó khoảng hơn 50% là trả cho doanh nghiệp nhập và phát hành phim (vì chính sách giá thuê phim của Mega làm cho tỷ lệ này tăng lên). Thống kê từ số tiền mà các doanh nghiệp chiếu phim phải trả cho Megastar cho thấy thị phần của Megastar trên thị trường này vào khoảng 50%. Đây là số liệu nội bộ ngành, rất dễ để kiểm chứng lần nữa thông qua báo cáo tài chính của Megastar.
Cụm rạp Galaxy từ lâu không còn chiếu các bom tấn do Megastar nhập về.
Trong khi đó, đại diện pháp lý của sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam khẳng định, họ muốn thông qua vụ việc để hướng tới một thị trường cạnh tranh lành mạnh chứ không phải phải là đòi hỏi được bồi thường. Vị này cho biết, vụ kiện giữa sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam và Megastar tương tự với vụ việc Jetstar Pacific Airlines kiện công ty Xăng dầu Hàng không (Vinapco), thuộc Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) năm 2009. Vietnam Airlines thông qua công ty con của mình áp đặt Jetstar Pacific Airlines hàng tháng phải ứng trước tiền cho Vinapco để công ty này đi mua nguyên liệu bay về bán lại. Đây là hành vi lợi dụng vị thế độc quyền để chiếm dụng vốn, từ đó dần loại đối thủ cạnh tranh khỏi "vòng chiến đấu", thu hút khách hàng về phía mình. Hội đồng Cạnh tranh Quốc gia đã quyết định phạt Vinapco 3 tỷ đồng, yêu cầu Vinapco lập tức cung cấp xăng cho Jetstar Pacific Airlines đồng thời cấp quyền cung cấp xăng hàng không cho Công ty Cổ phần Nhiên liệu bay (PJF) thuộc Petrolimex để xóa thế độc quyền của Vinapco.
Tại các buổi làm việc với tập thể các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Điện ảnh đã thể hiện quan điểm: thực hiện nghiêm túc chủ trương xã hội hóa điện ảnh, nâng cao và phát huy vai trò của điện ảnh Việt Nam, xử lý hiện tượng tiêu cực trong thị trường điện ảnh đang có những ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến các rạp chiếu phim và khán giả Việt Nam. Theo ông Lại Văn Sinh, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam, trong buổi làm việc với Cục, đại diện Megastar hứa sẽ sớm có buổi làm việc với sáu doanh nghiệp khiếu nại.
Nhìn nhận về vụ việc, ông Khuất Duy Tân, Trưởng phòng phổ biến phim Cục Điện ảnh Việt Nam lại cho rằng, chưa đến mức tạo thành một vụ kiện. Ông cho biết, Cục muốn các bên ngồi lại với nhau, xây dựng một thị trường thống nhất và phát triển. "Ban đầu, Cục chủ trương tổ chức một cuộc họp giữa Megastar và sáu doanh nghiệp chiếu phim, nhưng phía Megastar xin được trao đổi trước với các doanh nghiệp rồi báo cáo văn bản với Cục để Cục báo cáo với Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch và Ban tuyên giáo. Cục sẽ đứng ra tổ chức một cuộc họp chung khi các doanh nghiệp đã thống nhất với nhau. "Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là xây dựng thị trường lành mạnh, tạo điều kiện tốt nhất cho người xem. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp chiếu phim trong nước thấy một doanh nghiệp có 90% vốn nước ngoài như Megastar vi phạm luật cạnh tranh Việt Nam, đương nhiên họ cần đưa vụ việc ra pháp luật. Hiện Cục cạnh tranh cũng đã cử người sang làm việc, yêu cầu chúng tôi cung cấp danh sách phim nhựa nhập khẩu từ năm 2009 tới nay" - ông Tân cho biết.
Theo nguồn tin của VnExpress.net, sau khi nhận Quyết định điều tra sơ bộ từ Cục Quản lý Cạnh tranh, chiều 21/5, Megastar đã gửi công văn yêu cầu sáu doanh nghiệp đến gặp vào ngày 25/5, với thời gian và địa điểm do Megastar ấn định. Đại diện sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam cho rằng, hành động này của Megastar "thể hiện sự trịch thượng với tư thế là một ông lớn" vì thời gian thông báo trước quá ngắn (1 ngày làm việc) và các doanh nghiệp lại ở nhiều tỉnh thành khác nhau.
Hiện, Cục Cạnh tranh tiếp tục tiến hành điều tra sơ bộ vụ việc. Đến tuần cuối của tháng 6, Cục kết thúc điều tra, bắt đầu quá trình tố tụng.
Theo vnexpress
12 comments:
Một thông điệp xúc phạm khán giả
Tôi là một người rất nghiền phim và rất mê đi xem rạp. Tôi thấy xem ở Megastar hay, đẹp nhưng xem ở những rạp nhỏ khác cũng có nhiều cái thú vị riêng. Nó giống như thưởng thức nét văn hóa của nhiều nước, ăn món ăn của nhiều nơi vậy. Những người có nhiều tiền hơn thì có thể đi xem ở Megastar thường xuyên hơn, những người ít tiền thì xem những rạp khác bình dân hơn. Nhưng ai cũng có quyền được xem phim. Tôi thấy rằng rạp Megastar dường như chỉ phục vụ cho một số ít những đối tượng lắm tiền, nhiều của. Nhưng đại đa số người dân thì không phải ai cũng có điều kiện để đến rạp này thường xuyên. Chẳng nhẽ vì họ không có nhiều tiền nên không xứng đáng được xem những phim hay, phim bom tấn? Suy cho cùng thì phim được làm ra cũng là để phục vụ nhu cầu của số đông khán giả, là thứ mà văn hóa mà tất cả mọi người đều có quyền được hưởng thụ. Những hành động của rạp Megastar như gây sức ép làm tăng giá vé phim, độc quyền không cho các rạp khác công chiếu phim của họ... giống như tuyên bố rằng những người bình thường không có quyền được xem phim hay, không xứng đáng được xem phim hay. Đó thực sự là một thông điệp xúc phạm đến những người yêu phim, những khán giả của môn nghệ thuật thứ bẩy.
(Dan nghien phim)
Ủng hộ các cụm rạp VN
Vẫn biết kinh doanh là vì phải có cạnh tranh. Và theo lẽ thông thường, khi các doanh nghiệp càng cạnh tranh mạnh thì người tiêu dùng sẽ càng được lợi. Nhưng trong trường hợp này thì ngược lại. Trước giờ tôi cứ nghĩ Megastar là doanh nghiệp 100% Việt Nam, nay mới biết thực chất là một doanh nghiệp BVI - công ty Envoy Media Limited (sở hữu 90% vốn điều lệ), một công ty của British Virgin Island (BVI) - thiên đường về thuế. Như vậy, có thể thấy đơn vị này đang làm 2 việc ảnh hưởng xấu tới Việt Nam: 1. Móc túi người tiêu dùng với giá vé "đặc biệt", để đã mạnh lại càng "to" thêm. Hoặc tệ hơn, phần doanh thu sẽ được tìm cách "đẩy" về Envoy Media qua hình thức chuyển giá để hưởng trọn khoản lợi lớn và tránh phải nộp thuế tại Việt Nam. 2. Tận dụng tiềm lực mạnh vì là một "đại gia" nước ngoài - Envoy Media - để dần tạo thế độc quyền trên thị trường chiếu phim Việt Nam, thông qua việc "thẳng tay" với các đơn vị chiếu phim Việt Nam làm ảnh hưởng lâu dài tới hệ thống các cụm rạp và những người yêu phim Việt Nam. Và chúng ta sẽ thấy: các rạp Việt Nam sẽ đóng cửa dần, giá vé xem phim dần cao và nguời lao động sẽ chỉ có thể xem tivi mà thôi. Đến giờ, tôi muốn trích câu nói của vị đại diện Galaxy "Chúng tôi rất tin vào sự công tâm của pháp luật”.
(Solar)
Ý kiến của người là khách hàng quen thuộc của Megastar
Mình đọc bài và thấy bài của Hồ Phước Bảo Chi khác biệt so với các bài khác. Mình đồng quan điểm với Bảo Chi rằng Megastar cung cấp dịch vụ rất tuyệt trong rạp. Đó cũng là lí do mình chọn coi tại cụm rạp này mặc dù giá vé rất mắc so với tất cả những rạp khác.
Tuy nhiên, vấn đề ở đây không phải là các doanh nghiệp kia kiện Megastar vì sự chênh lệch giá vé hay thị phần, mà là vì Megastar đã và đang lợi dụng vị trí độc quyền của mình để áp đặt các yêu sách lên các doanh nghiệp khác. Như vậy là không công bằng.
Điều thứ hai, mình thường xuyên xem ở rạp Megastar, và càng về sau này thì càng không chịu nổi thái độ của ban điều hành cũng như của nhân viên công ty họ. Đầu tiên bước vào là mua vé, mình là khách hàng, đi mua vé mà nhân viên đối xử với mình như thể mình đi xin trợ cấp: "Suất mấy giờ?" , "Ngồi hàng nào?" , "Có thẻ sinh viên sao không đưa trước?". Gia đình mình đi coi nhiều khi "muối mặt" vì cách họ nói chuyện, nhưng cũng phải nhịn.
Thứ đến là Megastar bày ra chuyện ghế VIP, những ai mua vé theo chương trình khuyến mãi như sinh viên học sinh, đặc biệt là trong vụ "Avatar" vừa rồi, họ không cho mình chọn ghế ngồi tốt mặc dù mình lên mua vé trước đó nhiều ngày, họ ấn định một vài hàng ghế mà mình có thể lựa chọn.
Thứ ba, chuyện này không thể chấp nhận được, đó là khi có những suất phim ít người coi, Megastar thậm chí còn không mở một số loa phía sau. Có lẽ vì họ nghĩ ít người coi thì không cần thiết, nhưng rõ ràng số tiền khách hàng bỏ ra đã không mua được đúng cái dịch vụ mà họ muốn...
Còn nhiều điều khác không thể viết hết lên đây được, nhưng để mọi người hiểu rằng đã là độc quyền và đã thu tiền khách hàng mắc như vậy, thì phải làm cho trọn bổn phận trách nhiệm của mình chứ. Có vẻ doanh thu càng cao thì hãng này càng tỏ ra chỉ cần tiền của khách hàng chứ không cần thái độ phản ứng của họ.
(Vũ Thảo Uyên)
Một số người nghĩ quá đơn giản về độc quyền
Đọc xong bài báo và lướt qua một số comment, tự nhiên thấy quá bức xúc. Một số người nghĩ vẫn đề độc quyền chẳng là vấn đề gì to tát, chỉ thấy được giá vé hiện tại cũng hợp lí so với dịch vụ. Nhưng các bạn hãy thử nghĩ xa hơn một chút, nếu như tiếp tục để yên như vậy, các rạp chiếu phim nhỏ sẽ phá sản, chỉ còn Megastar chiếu phim, lúc đấy thì ai sẽ là người phụ thuộc vào Megastar, ai sẽ không còn quyền nói gì khi Megastar tăng giá? Người muốn đi xem phim ở rạp - chính là các bạn sẽ chịu thiệt.
Hãy thử tưởng tượng đến một ngày, bạn muốn ra rạp xem phim mới nhất nhưng chỉ có đúng Megastar chiếu, bọn họ nâng giá lên bao nhiêu thì vẫn phải cắn răng mà mua vé. Còn việc xem đĩa lậu thì khỏi phải bàn: phim hot thì 1- 2 tháng sau mới có DVD, trước đấy chỉ toàn là bản quay trộm bằng camera, chất lượng rất thấp.
(Vũ Đức Tiến)
Cục diện câu chuyện của 'Bí kíp luyện rồng'
Dạo gần đây, thấy tất cả các rạp chiếu phim đều tăng giá, tôi nghĩ tất cả các hãng đều lợi dụng lạm phát thông đồng với nhau tăng giá để chuộc lợi. Đọc bài báo này xong tôi thấy cục diện này y chang như nội dung phim "Bí kíp luyện rồng". Một con rồng khổng lồ ác độc bắt các chú rồng nhỏ hơn đi cướp thức ăn từ con người về cống nạp cho nó. Ban đầu con người truy sát các chú rồng con nhưng sau đó cả người và loài rồng nhỏ cùng hợp sức để hạ gục con rồng khổng lồ tàn ác. Một nội dung, kết cấu và kết thúc làm khán giả yêu thích. Hai câu chuyện tương đồng: một từ thế giới tưởng tượng, một từ thế giới thực. Câu chuyện từ thế giới tưởng tượng thì đã mang kết thúc có hậu của nó còn câu chuyện từ thế giới thực thì phải chờ xem.
(Phuong Thao)
Khán giả chúng tôi mới là người bị thiệt
Bất bình và bất bình. Đó chính là cảm giác của tất cả mọi người khi đọc bài báo này. Việc cạnh tranh là cuộc chơi của các doanh nghiệp nhưng người bị thiệt hại chính lại là khán giả. Chính chúng ta - những người yêu thích phim ảnh đang biến mình thành miếng mồi béo bở cho "con cá lớn" ngày một lớn thêm. Đành rằng, việc bỏ ra một khoản tiền để được thưởng thức những bộ phim bom tấn, những công nghệ mới nhất, cao nhất là lý do chính đáng nhưng đừng để điều đó là cái bẫy cho "con cá lớn" ngồi ung dung nuốt chúng ta. Xin nhớ một điều, chính chúng ta mới người là quyết định trong cuộc chơi của các doanh nghiệp.
(Công Bằng)
Vì một Việt Nam không độc quyền
Nếu cần thiết, hãy "tẩy chay" Megastar một thời gian xem còn chơi thủ đoạn này nữa không.
(Nguyễn Trung Huân)
Giá vé xem phim 3D ở Megastar là quá đắt
Tuy tôi chưa có điều kiện xem phim ở các rạp trên cả nước nhưng tôi dám khẳng định, giá vé xem ở Megastar Hà Nội (Tầng 6 Vincom) là đắt nhất. Có lẽ không phải ai cũng biết giá 1 cặp vé xem phim 3D ở đây là 280 nghìn đồng, nếu không phải là người có điều kiện không phải ai cũng có thể thường xuyên đến xem. Tôi nghĩ điều đó ít nhiều do sự độc quyền của công ty phân phối phim.
(Nguyễn Tùng Lâm)
400 nghìn/1 cặp vé xem phim ở Megastar
Rút cuộc người tiêu dùng cuối cùng là những người yêu phim ảnh như chúng ta bị thiệt nhất. Hiện tại, một cặp vé xem phim của Megastar chiếu buổi tối lên tới 400k đấy ạ. Từ lâu tôi vẫn luôn thắc mắc tại sao chỉ có mỗi Megastar chiếu những phim bom tấn, trong khi các rạp khác cung có cơ sở vật chất tốt lại không? Khiến dân tình không muốn đến Mega cũng phải đến Mega để xem phim mình thích. Hoá ra là unfair competition.
( Nguyen Le Quynh )
Thật quá đáng
Tàm thế này thì megastar sớm thành đôc quyền tại VN, lúc đó họ tăng giá vé hay làm gì cũng được. Như thế khán giả như chúng ta sẽ là người phải cháy hầu bao mất.
( Nguyễn Hoàng Sơn )
Megarstar cẩn thận!
Người Việt Nam có thể tẩy chay Megarstar nếu hãng này làm ăn chỉ biết đến lợi nhuận mà không dựa trên đạo lý làm người của người Việt Nam.
( Trần Hoàng Vy )
Bất bình
Tôi thật bất bình khi đọc bài báo này. Vấn đề đã rõ Megastar thể hiện ý đồ độc quyền của họ trong việc phát hành phim, bằng cách đưa ra những điều kiện cũng như chính sách bắt buột các rạp chiếu phim phải tuân thủ và hậu quả là giá vé xem phim của Việt Nam ngày càng cao (vì các rạp chiếu muốn không bị lỗ phải tăng gá vé).
Tôi thiết nghĩ, nhà nước phải có chính sách rõ ràng trong việc phát hành và chiếu phim, cũng như kiểm tra khống chế giá vé hợp lý, để nhiều người dân có mức thu nhập thấp còn có thể đến rạp xem phim.
Và vấn đề thứ hai thuộc về ý thức tự hào dân tộc, chúng ta hãy thử một lần tẩy chay sản phẩm điện ảnh được nhập khẩu từ Megastar, hãy nói không với họ và đó cũng là điều kiện để họ giảm giá thuê phim cho các cụm rạp cũng như giảm giá vé.
( lam tam nhu )
Đăng nhận xét